
Trong thời buổi ngoại ngữ đang được chú trọng phát triển như hiện nay, đề tài mình thường được nghe các ông bố bà mẹ bàn đến là có nên cho con học ngoại ngữ từ bé không. Và đương nhiên, không chỉ riêng Giáo Dục, đối với tất cả vấn đề phát sinh trong xã hội luôn có những ý kiến trái chiều.
Có bài nghiên cứu nói rằng não trẻ con có thể tiếp nhận và nhận biết nhiều ngôn ngữ từ lúc bé, nên khuyến khích các bậc cha mẹ nên cho con được tiếp cận ngoại ngữ từ bé. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc học ngoại ngữ khi bé chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.
Bản thân mình cũng đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn về việc nuôi dạy con trong môi trường song ngữ, nên cũng khá nhạy cảm với vấn đề dạy ngoại ngữ cho con.
Trong bài viết này, mình sẽ nêu một số vấn đề trong việc nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ, và không đưa ra bất cứ nhận định cá nhân nào về việc cho con học ngoại ngữ từ bé đúng hay sai, vì thật ra vấn đề này không nằm trong phạm trù sai-đúng, mà nó tuỳ thuộc vào KHẢ NĂNG của từng bé.
Câu trả lời nằm trong nhận thức và sự hiểu biết của từng ông bố-bà mẹ đối với con mình. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bé học ngoại ngữ từ nhỏ và đã thành thạo ngoại ngữ khi ở độ tuổi các bé khác chưa biết gì về ngoại ngữ.
Nhưng cũng có bé được học ngoại ngữ từ nhỏ, sẽ không thể nói được tiếng mẹ đẻ, và cũng có bé sẽ không thể nói tốt được cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.
Tuy nhiên, có một điều mình có thể chắc chắn rằng, có rất nhiều người có thể nói ngoại ngữ tốt mà không phải học từ bé. Và cũng có rất nhiều trường hợp, do tiếp xúc ngoại ngữ từ bé, và không thành thạo tiếng mẹ đẻ nên tư duy logic, cách lập luận vấn đề bị lệch, dẫn đến việc không thể hoà nhập cộng đồng.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Môi Trường Đa Ngôn Ngữ Là Gì?
Mở đầu bài viết mình xin được phép định nghĩa, môi trường đa ngôn ngữ là môi trường có từ 2 ngôn ngữ trở lên.
Và bé được nuôi dạy trong môi trường đa ngôn ngữ mình đang đề cập đến là những môi trường sau:
1. Cha mẹ nói cùng ngôn ngữ nhưng sống ở nước ngoài.
2. Cha mẹ khác ngôn ngữ và sống tại nơi dùng ngôn ngữ của mẹ (hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, thân cận nhiều nhất với bé).
3. Cha mẹ khác ngôn ngữ và sống tại nơi dùng ngôn ngữ của cha (hoặc người thân nhưng ít tiếp xúc với bé).
Dấu Hiệu Chậm Nói
Bé bị xem là chậm nói khi bé được khoảng 36 tháng nhưng vẫn chưa thể nói trên khoảng 50 từ.
Sở dĩ, mình tách ra 3 trường hợp về môi trường đa ngôn ngữ như mục trên vì 3 trường hợp này đều có ảnh hưởng rất lớn và mức độ khác nhau đến sự phát triển ngôn ngữ của bé.
Tỷ lệ rối loạn ngôn ngữ sẽ tăng dần từ 1 đến 3.
Có nghĩa là bé sống với ba mẹ cùng ngôn ngữ sẽ có cơ hội phân biệt và nhận thức về giao tiếp bằng ngôn ngữ hơn là bé sống với ba mẹ khác ngôn ngữ.
Mình ví dụ, mẹ nói chuyện với bé bằng tiếng Việt, và mẹ nói chuyện với ba/ông/bà/hàng xóm…bằng tiếng Việt thì bé sẽ nhận thức được thứ ngôn ngữ bé đang nghe là phương tiện dùng để giao tiếp, và bé sẽ bắt chước để sử dụng phương tiện này truyền đạt ý của bé.
Nhưng nếu mẹ nói chuyện với bé bằng tiếng Việt, và mẹ nói chuyện với ba/ông/bà/hàng xóm…bằng tiếng khác thì bé không hiểu được ngôn ngữ mẹ nói với bé hằng ngày là phương tiện có thể dùng để giao tiếp được. Dẫn đến việc bé không có một phương tiện chuẩn để bắt chước và dùng nó để truyền đạt ý muốn. Do đó, bé sẽ không biết cách phản xạ đáp lại một câu nói bằng một câu nói.
Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ hay còn gọi là tình trạng chậm nói của bé.
Bé bị rối loạn ngôn ngữ sẽ có biểu hiện dễ thấy nhất là: hay khóc lóc (vì bé không biết cách diễn đạt ý kiến, khó chịu hiện tại của mình), hay lo sợ khi đến nơi có nhiều người, hay rụt rè khi có người lạ (nói ngôn ngữ bé chưa rõ) bắt chuyện, sợ bị hỏi vì bé không hiểu và không biết cách trả lời.
Cách Vận Hành Giữa Tiếng Mẹ Đẻ Và Ngoại Ngữ Trong Giai Đoạn Bé Tập Nói
Khi dạy trẻ nhỏ học chữ, đối với bé, ngôn ngữ như một tờ giấy trắng, bạn viết lên đó ngôn ngữ nào đầu tiên thì đó là tiếng mẹ đẻ, các ngôn ngữ tiếng theo là ngoại ngữ.
Vì thế, cho dù bạn là người Việt Nam, bạn dạy và nói chuyện với bé bằng tiếng Nhật thì tiếng mẹ đẻ của bé sẽ là tiếng Nhật, sau khi bé nói được tiếng Nhật, bạn dạy bé tiếng Việt bằng tiếng Nhật thì tiếng Việt là ngoại ngữ.
Và bạn nên nhớ một điều rất quan trọng là, ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ là ngôn ngữ quyết định tư duy logic, cách lập luận vấn đề, ký ức, cách nhìn nhận mọi việc xung quanh của bé…Ngôn ngữ mẹ đẻ là cơ sở để bé dựa vào đó phát triển nhận thức về sự tồn tại của ngôn ngữ khác, và học cách nhớ, sắp xếp trật tự, so sánh, sử dụng ngôn ngữ khác.
Khi bé nói được một từ của ngôn ngữ này và biết thêm một từ cùng nghĩa của ngôn ngữ khác (nhận biết 2 từ cùng nghĩa và chỉ cùng một sự vật), người lớn khi nghe bé nói thì chỉ hiểu là: à, bé biết nói 2 thứ tiếng…nhưng thật ra đó là cả một quá trình hoạt động phức tạp của não tác động giữa mắt, tai, miệng…dựa trên 1 từ bé đã biết, nhớ sẵn, sau đó so sánh, liên tưởng và vận động cuống họng phát ra âm thanh.
Hậu Quả Khi Bị Rối Loạn Ngôn Ngữ Hoặc Không Thông Thạo Tiếng Mẹ Đẻ
Ảnh Hưởng Đến Ký Ức
Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có những việc xảy ra từ lúc bạn 5-6 tuổi, cho đến khi bạn già đi bạn vẫn nhớ, nhưng có những việc xảy ra khi bạn 1, 2 tuổi, nhưng chỉ khoảng 3, 4 tuổi bạn đã không còn nhớ gì nữa?
Đó là vì khi 1, 2 tuổi, bạn chưa có ngôn ngữ để lưu giữ ký ức.
Ví dụ một cách dễ hiểu, khi bạn chỉ cho con bạn về một đồ vật gì đó, có phải là bạn sẽ gọi tên đồ vật đó không?
Tình huống đặt ra, nếu bạn dạy con bạn "cái ly", và một người nào đó dạy "a cup" trong khi bé chưa kịp nhớ cách phát âm, hình ảnh của cái ly, thì bé sẽ không thể biết chính xác món đồ đó là gì, sẽ gọi món đó là cái gì.
Và thay vì nếu bé chỉ được dạy 1 ngôn ngữ sẽ hiểu và nhớ khái niệm "cái ly", ví dụ sau 1 tuần, thì bé được dạy 2 ngôn ngữ sẽ không thể nào nhớ được khái niệm "cái ly" cùng khoảng thời gian đó.
Ảnh hưởng đến cách diễn đạt
Vì ngữ pháp và cách sắp xếp câu của các loại ngôn ngữ khác nhau nên bé được dạy song song 2 ngôn ngữ sẽ gặp rất nhiều lỗi trong cách sắp xếp câu.
Đối với bé bị rối loạn ngôn ngữ, hoạt động phức tạp của não tác động giữa mắt, tai, miệng…dựa trên 1 từ bé đã biết, nhớ sẵn, sau đó so sánh, liên tưởng và vận động cuống họng phát ra âm thanh sẽ diễn ra chậm hoặc bị đứt đoạn.
Có nghĩa là khi bé nói ra 1 từ, bé không có nhận thức về ngôn ngữ, không có sự so sánh, hoặc bé nhớ cả 2 từ nhưng không nhớ rõ trật tự sắp xếp….
Lỗi dễ thấy nhất của bé ở môi trường 2 ngôn ngữ là bé nói một câu bị trộn lẫn cả 2 ngôn ngữ.
Ví dụ: Hikouki màu xanh, mặt trời màu aka…
Các trật tự ngữ pháp trong câu bị đảo lộn.
Và theo nghiên cứu khoa học, từ khoảng 2 đến 4 tuổi, sẽ là giai đoạn bé tiếp thu rất nhanh tiếng mẹ đẻ và từ 9 đến 10 tuổi là gian đoạn hoàn thiện tiếng mẹ đẻ.
Nếu bé phải học cả 2 ngôn ngữ trong giai đoạn này thì vô tình thời gian để nâng cao ngôn ngữ của bé bị phân đôi, nên vốn từ và khả năng diễn đạt của bé sẽ kém hơn trong cả 2 ngôn ngữ. Việc này ảnh hưởng đển khả năng suy nghĩ trừu tượng của bé, mặc dù bé có thể giao tiếp thông thạo hội thoại hằng ngày.
Ví dụ, khi bé gặp một áng mây xanh lơ lửng rất đẹp trên bầu trời, bé sẽ không thể dùng bất cứ ngôn ngữ nào để có thể diển đạt đại loại như: Tớ đang ngắm nhìn một chùm hoa trắng đang trôi bồng bềnh trên bầu trời trong xanh…
Khi bạn đọc đến đây, bạn có thể nghĩ rằng, ôi, câu này dễ ợt, bạn có thể nói câu này bằng tiếng Nhật, tiếng Anh trong vòng 3 nốt nhạc (cười), nhưng đó là vì bạn đã có một ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ để bạn hình dung và chuyển ngữ.
Ảnh hưởng đến giao tiếp và tình cảm
Bạn thử tưởng tượng nếu bạn (ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt Nam) được nghe một trong những câu sau:
– Anh yêu em!
– Anh thích em!
– I like you!
– I love you!
Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Cảm xúc có giống nhau không?
Ngôn ngữ mẹ đẻ được ví như là "đất nền", và cảm xúc, tình cảm, tư duy sẽ như là cây hoa lá mọc trên đất nền đó.
Nếu đất nền của bạn là tiếng Việt Nam, cảm xúc, tình cảm, tư duy sẽ theo chiều hướng của người Việt Nam.
Đó là điểm đặc biệt của tạo hoá.
Bạn nói tiếng Việt thì từ trong sâu thẳm tâm hồn bạn, sẽ yêu đất nước Việt Nam, sẽ coi trọng tình làng nghĩa xóm, sẽ coi trọng tình cảm gia đình, sẽ đồng cảm được với người Việt.
Nếu bạn chọn cho con bạn tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật, thì chắc chắn con bạn sẽ có xu hướng yêu nước Nhật, và thích sống ở Nhật, đồng cảm với người Nhật.
Và, bây giờ, từ phân tích trên, bạn hãy thử tưởng tượng, nếu một đứa trẻ biết cả 2 ngoại ngữ nhưng không rõ ngôn ngữ nào là tiếng mẹ đẻ thì sẽ như thế nào? Nếu không có đất nền vững chắc, thì cảm xúc, tình cảm rất dễ đổ vỡ, không sâu đậm, không thể đồng cảm với cả 2 đất nước của 2 ngôn ngữ đó.
Cách Khắc Phục Khi Bé Bị Chậm Nói Do Rối Loạn Ngôn Ngữ, Hoặc Có Xu Hướng Không Nói Tiếng Mẹ Đẻ
Đối với trường hợp bé bị chậm nói do rối loạn ngôn ngữ
Nếu bé của bạn đang ở trong môi trướng đa ngôn ngữ, và bạn phát hiện bé bị chậm nói, thì cách tốt nhất là bạn hãy ngừng việc tác động 2 ngôn ngữ vào bé. Bạn hãy lựa chọn 1 ngôn ngữ tuỳ vào môi trường, điều kiện sống mà bạn cho là thích hợp nhất để dạy bé.
Bạn đừng tiếc nuối việc bé không thể nói ngôn ngữ còn lại, vì sau khi bé đã thông thạo 1 ngoại ngữ, bé vẫn có thể tiếp tục học tiếp ngoại ngữ khác.
Đối với trường hợp bé có xu hướng không nói tiếng mẹ đẻ
Trường hợp này xảy ra khi bé được tiếp xúc nhiều với ngoại ngữ hơn là tiếng mẹ đẻ, ví dụ bé được học trường quốc tế khi trong giai đoạn hình thành ngôn ngữ.
Cũng như mình đã viết bên trên, tuỳ vào độ tiếp thu của từng bé, mà có bé có khả năng lĩnh hội được nhiều ngôn ngữ và có bé không thể.
Vì thế, nếu bạn quan sát và cảm thấy con bạn có thể tiếp thu cùng lúc tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ thì bạn nên duy trì và quyết tâm chỉ nói tiếng mẹ đẻ với bé, để bé có thể hiểu song song 2 ngôn ngữ.
Nhưng trong trường hợp bé không thể, mình có một lời khuyên chân thành cho bạn, rút ra từ kinh nghiệm của mình, nếu bạn vẫn cương quyết cho con theo xu thế "bilingual" (song ngữ) thì chắc chắn con bạn sẽ gánh những hậu quả như mục trên. Vì thế, ngay khi biết được con bạn đang có dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ, hãy ngưng ngay việc tác động ngoại ngữ cho bé, và chỉ tập trung vào một ngôn ngữ duy nhất, đó là tiếng mẹ đẻ.
Cho mình ý kiến không liên quan đến bài viết nha: Mình thích cách trình bày bài viết của bạn quá. Phần mục lục ở trên cùng thay vì ở dưới cùng nè. Mỗi phần có tô màu, kẻ viền cho dễ nhìn. Ước gì các sách/báo của Việt Nam mình học hỏi được cách trình bày như thế này.
Cảm ơn Hồng Hoa rất nhiều!
Bài viết rất hay, phân tích logic ạ. Em cũng đang chuẩn bị đón 2 mẹ con sang nước ngoài sống. Bé chỉ mới 5 tháng, hy vọng bé đủ bản lĩnh!
Cảm ơn em.Chúc gia đình em hạnh phúc nhé!
Chao chi, em dang mang bau 5 thang thoi. Be cua em nam trong truong hop thu 3, me Viet , bo Nhat va song o Nhat. Em dang boi roi khong biet nen day nhu the nao de be khong bi roi loan ngon ngu va co the noi duoc ca 2.
Truong hop nay thi em se chi noi tieng Viet voi be thoi , bo se noi tieng Nhat thoi. Khi co ca bo va me thi em nen noi tieng gi voi be a ?
Chao chi!